Biếng ăn ở trẻ khiến các bậc phụ huynh đau đầu bởi nó có thể gây ra nhiều hệ lụy nặng nề như trẻ suy dinh dưỡng, chậm phát triển,… Vì thế, các bậc phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân biếng ăn ở trẻ và có cách khắc phục phù hợp.
Biếng ăn là gì ?
Biếng ăn là tình trạng rối loạn ăn uống phổ biến ở những trẻ trong độ tuổi từ 1 đến 6. Trẻ có thể ăn ít hơn bình thường, ngậm thức ăn trong miệng và không chịu nuốt, chạy trốn khi tới bữa ăn, tìm cách quấy rối khi tới bữa ăn, không ăn một số loại thức ăn,…
Nguyên nhân gây biếng ăn ở trẻ
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ, và việc xác định được nguyên nhân rất quan trọng, vì từ đó bạn mới có những biện pháp phù hợp để giúp trẻ hết biếng ăn, phát triển toàn diện.
Biếng ăn do bị bệnh
Khi trẻ bị bệnh, sẽ rất khó chịu, cơ thể rất mệt mỏi, thế nên có cảm giác chán ăn. Lúc này bạn cần quan tâm đến trẻ nhiều hơn, chú ý điều chỉnh nhịp sinh hoạt, đặc biệt là có chế độ dinh dưỡng phù hợp để giúp bé vượt qua tình trạng bệnh một cách nhanh chóng.
Trẻ không tiêu hóa hết thức ăn
Đây là một trong những nguyên nhân khiến trẻ sợ ăn, và lâu dần tạo thành tâm lý biếng ăn. Khi lượng thức ăn được dung nạp quá nhiều mà không tiêu thụ hết, sẽ khiến cơ quan tiêu hóa hoạt động hết công suất, gây ra cảm giác no bụng, và không muốn ăn.
Biếng ăn do rối loạn tiêu hóa
Ở trẻ em, hệ tiêu hóa còn rất non nớt, thế nên rất dễ bị rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ ăn không ngon miệng như bình thường. Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ hay có cảm giác đầy bụng, buồn nôn,… khiến trẻ mệt mỏi và không muốn ăn. Nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa có thể là do nhiễm khuẩn đường ruột, rối loạn tiết dịch hoặc do sự co bóp đường ruột,… Các bậc phụ huynh cần chú ý đến biểu hiện của trẻ, nếu có dấu hiệu tăng nặng, thì nên đưa bé đi khám để có hướng điều trị phù hợp.
Thực đơn nhàm chán
Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng biếng ăn ở trẻ, thực đơn ít thay đổi, chỉ ăn mãi một loại thực phẩm hoặc cách chế biến không đa dạng, khiến trẻ thấy ngán. Hoặc cho ăn dặm quá sớm hoặc quá muộn, cho con ăn thức ăn đã nghiền nát mặc dù con đã nhai được.
Chế độ ăn thiếu các vi chất, không cân đối dinh dưỡng
Ăn quá nhiều thức ăn trong một bữa hoặc ăn quá nhiều bữa trong ngày, cũng có thể gây ức chế bài tiết men tiêu hóa, khiến trẻ sợ ăn. Chế độ ăn không cân đối các chất dinh dưỡng, thiếu vitamin và các khoáng chất cũng khiến trẻ ăn không ngon miệng. Nếu bố mẹ không tìm ra nguyên nhân, mà để tình trạng này kéo dài sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch, ảnh hưởng đến tinh thần, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, và trẻ rất dễ nhiễm bệnh.
Biếng ăn sinh lý
Có những thời điểm bé tập lẫy, tập ngồi, tập đi,… thì bé có thể biếng ăn trong vài ngày mặc dù bé vẫn mạnh khỏe. Đây là tình trạng biếng ăn sinh lý, mẹ không phải lo lắng nhiều, vì sau thời điểm này, bé sẽ ăn uống bình thường. Tuy nhiên, bố mẹ cũng nên chú ý đến con và có những biện pháp can thiệp sớm vì nếu để tình trạng này kéo dài quá lâu, bé sẽ rất dễ hình thành thói quen lười ăn.
Do tâm lý của cha mẹ gây ra biếng ăn ở trẻ
Nhiều bố mẹ có quan niệm là ăn nhiều thì mới tốt, nên đôi khi thấy con mình ăn ít hơn so với các bạn cùng lứa, là nghĩ ngay con mình biếng ăn, mặc dù bé vẫn phát triển chiều cao và cân nặng bình thường. Khẩu phần ăn của từng trẻ khác nhau tùy thuộc vào cơ địa của bé, chỉ cần bố mẹ đảm bảo cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cho trẻ.
Biếng ăn do bị ép ăn
Đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ biếng ăn, trẻ bị ép ăn, khiến trẻ càng sợ ăn và lười ăn. Chẳng hạn như bé bị ép phải ngồi một chỗ, phải mang khăn ăn, hoặc phải ăn hết đồ ăn trong một khoảng thời gian cố định, không khí căng thẳng,… khiến trẻ sợ hãi khi đến bữa ăn.
Biếng ăn do sử dụng thuốc
Có nhiều bé sau đợt điều trị kháng sinh kéo dài, uống vitamin quá liều, cũng sẽ khiến trẻ biếng ăn. Những loại thuốc kháng sinh dễ gây rối loạn đường ruột, giảm quá trình lên men thức ăn, gây mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, khiến trẻ biếng ăn.
Biếng ăn do ăn vặt
Những đồ ăn vặt như khoai tây chiên, phồng tôm,… hoặc một số loại thức ăn nhanh có thể không tốt cho sức khỏe của trẻ, mà còn khiến trẻ biếng ăn.
Trẻ không tập trung ăn uống
Có nhiều bậc phụ huynh đưa cho bé điện thoại, Ipad để vừa ăn vừa chơi, khiến bé không tập trung vào bữa ăn, thức ăn nguội lạnh. Việc này khiến bé chỉ tập trung vào những hình ảnh mà không tập trung vào việc ăn uống, tình trạng này kéo dài sẽ gây biếng ăn và hình thành thói quen không tốt, rất khó sửa đổi.
Ăn tùy hứng
Có nhiều bậc phụ huynh cứ cho trẻ ăn tùy thích, đói lúc nào ăn lúc đó, nhưng thói quen không tốt này vô tình khiến trẻ biếng ăn, bé không còn quan tâm đến các bữa ăn chính, thậm chí còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Chỉ cho bé ăn những gì bé thích
Việc cho ăn những gì con thích sẽ giúp bé ăn được nhiều hơn, nhưng bố mẹ cũng phải có cách tạo ra thực đơn đa dạng, đưa dần những món ăn bé không thích vào, để bé hấp thu đầy đủ chất dinh dưỡng đồng thời giúp trẻ bớt biếng ăn.
Không ăn cùng với gia đình
Nhiều gia đình có con nhỏ thì thường cho con ăn trước, nhưng việc này khiến bé không cảm nhận được không khí vui vẻ của một bữa ăn quây quần bên gia đình. Khi bé biếng ăn, một số bạn sẽ nổi giận quát mắng, việc này càng làm không khí căng thẳng, và khiến bé sợ ăn hơn.
Biếng ăn bẩm sinh
Theo thống kê, có một số bé gặp tình trạng biếng ăn bẩm sinh, ngay từ khi ra đời, bé chỉ thích ngủ, mà không bao giờ đòi bú hoặc ăn.
Nên làm gì khi trẻ biếng ăn?
Trẻ biếng ăn thường chậm tăng trưởng và phát triển, khiến bố mẹ lo lắng. Nếu con bạn biếng ăn, hãy bình tĩnh tìm hướng giải quyết, không nên quát mắng bé vì như thế sẽ khiến tình trạng xấu hơn.
Để con được đói
Điều này không phải là bỏ đói trẻ, mà hãy để cho trẻ có cảm giác đói, đừng cho trẻ ăn theo hứng. Có nhiều bậc phụ huynh sợ con đói, nên khi con đòi ăn là cho con ăn, và khi đến bữa ăn chính, thì bé đã nê bụng. Vì thế, bố mẹ cần sắp xếp bữa ăn chính và bữa ăn phụ cách nhau khoảng 3 tiếng đồng hồ, giữa mỗi bữa ăn chỉ cho bé uống nước. Trong một ngày, bố mẹ chỉ nên cho con ăn vặt 1 lần và sau khi đã hoàn thành xong bữa chính.
Khuyến khích trẻ tự lập
Khi trẻ biếng ăn, cha mẹ thường tìm mọi cách để con ăn được nhiều hơn, bất kể việc đó là gì, chẳng hạn như cho xem phim, dẫn bé đi khắp xóm để ăn được nhiều hơn, thậm chí là ép ăn. Tuy nhiên, những cách này chỉ khiến trẻ càng chống đối và ngày càng biếng ăn, lâu dần sẽ trở thành một thói quen rất khó sửa đổi. Nếu trẻ không muốn ăn thêm, hãy tôn trọng quyết định của trẻ, bố mẹ chỉ nên là người hướng dẫn cho con ăn. Từ 7 tháng tuổi, mẹ đã có thể cho bé tự bốc ăn để tay vận động linh hoạt hơn. Bé từ một tuổi trở lên, mẹ hãy cho con tự cầm muỗng để khám phá bữa ăn của chính mình.
Không kéo dài thời gian bữa ăn
Khi con biếng ăn, cha mẹ sẽ tìm mọi cách để con ăn hết, chứ không quan tâm đến thời gian mà trẻ ăn. Tuy nhiên, bữa ăn kéo dài quá 30 phút thì thức ăn đã quá nguội lạnh và không còn ngon nữa, có thể khiến bé thêm chán. Vì thế, bất kể lượng thức ăn mà bé ăn được, bố mẹ cũng không nên kéo dài bữa ăn quá 30 phút.
Thực đơn đa dạng
Mỗi đứa trẻ có sở thích, khẩu vị cũng như nhu cầu ăn uống khác nhau, vì thế bố mẹ cần dành thời gian để trình bày các món ăn một cách đẹp mắt để kích thích sự thèm ăn ở trẻ. Trong mỗi bữa ăn, nên có một món mà bé thích, để con tự chọn món ăn, miễn là nó không gây hại cho trẻ, hãy khuyến khích con ăn tất cả các đồ ăn có trên bàn, bất kể lượng là bao nhiêu.
Ngoài ra, mẹ cũng có thể để bé vào bếp cùng vì trẻ rất thích đưa ra quyết định hôm nay mình sẽ ăn gì. Hãy cùng trao đổi với bé và chọn thực phẩm để có bữa ăn đầy đủ dưỡng chất. Khuyến khích bé thực hiện những việc phụ bạn như nhặt rau, trộn thức ăn,… điều này sẽ kích thích bé muốn ăn những món mà mình đã có công chuẩn bị. Hơn nữa, mẹ cũng nên nói cho bé hiểu về tầm quan trọng của thực phẩm, không nên áp đặt định kiến thức ăn nhanh là xấu, trái cây là tốt. Hãy nói cho con hiểu rằng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, và có cách sử dụng phù hợp, chẳng hạn như trong bữa ăn cần có thịt, rau, còn những món như bỏng ngô hay bánh sinh nhật thì để ăn trong những dịp đặc biệt như đi xem phim, sinh nhật, hoặc trong những bữa tiệc,...
Cho trẻ ăn đúng giờ và ăn cùng gia đình
Hầu hết trẻ em đều bắt chước theo hành động của người lớn, thế nên ăn cùng với gia đình và ăn đúng giờ sẽ là tấm gương tốt cho bé. Hơn nữa, không khí ấm cúng và vui vẻ sẽ giúp bé ăn ngon miệng hơn. Trước khi bắt đầu ăn khoảng 15 phút, hãy thông báo cho trẻ biết, và đặt quy tắc là không tự ăn bất cứ thứ gì khi chưa đến giờ ăn mà không được phép.
Thiết lập quy tắc bàn ăn
Ngay từ khi trẻ ăn dặm, bố mẹ nên đặt ra quy tắc là không ti vi, không đi chơi, không đồ chơi. Việc này giúp trẻ tập trung vào việc ăn, tốt cho sự phát triển của trẻ.
Khuyến khích và khen ngợi
Mọi trẻ em đều thích được khen ngợi, thế nên nếu bé ăn được đồ ăn mới hoặc làm được điều gì mới, bố mẹ đừng ngần ngại trong việc khen ngợi trẻ.
Cho trẻ vận động đầy đủ
Đôi khi trẻ ít vận động cũng có thể gây ra tình trạng biếng ăn, thế nên bạn nên khuyến khích hoặc cùng với trẻ vận động hàng ngày. Việc vận động giúp bé tiêu hao nhiều năng lượng hơn, từ đó có cảm giác đói, ăn ngon hơn, đồng thời sức khỏe của bé cũng tốt hơn.
Với những bé nhỏ, hãy massage cho bé để hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, hạn chế những bệnh về đường tiêu hóa, giúp trẻ tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh.
Có nên cho trẻ sử dụng thực phẩm chức năng hỗ trợ biếng ăn
Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm hỗ trợ điều trị chứng biếng ăn ở trẻ, và đôi khi được quảng cáo như một loại thần dược. Tuy nhiên, trước khi chọn mua sản phẩm cho trẻ, bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm cũng như độ phù hợp của thuốc với trẻ, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có sự lựa chọn phù hợp.
- Dòng thực phẩm chứa corticoid giúp tăng cường sự chuyển hóa, giữ nước, khiến bé trông giống như béo lên. Khi sử dụng dòng sản phẩm này thường xuyên, đôi khi gây ra những tác dụng phụ như ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, còi xương,… khiến trẻ không phát triển được.
- Những sản phẩm có nguồn gốc thảo dược là xu hướng chung trên toàn thế giới, chứa vitamin có nguồn gốc thực vật, bổ sung nguồn dinh dưỡng còn thiếu cho bé trong giai đoạn mà bé biếng ăn. Một sản phẩm thảo dược hiệu quả là phải kích thích được cảm giác thèm ăn ở trẻ, tăng cường khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể, không gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, và bổ sung lượng dinh dưỡng còn thiếu cho bé.
- Thực phẩm chứa men tiêu hóa là dòng sản phẩm phổ biến hiện nay, cung cấp lợi khuẩn đường ruột, tốt cho hệ tiêu hóa, bù đắp lại lượng dinh dưỡng đã mất.
- Cốm vi sinh giúp nâng cao sức đề kháng đường ruột, đặc biệt phù hợp với những trẻ bị loạn khuẩn do sử dụng thuốc kháng sinh trong thời gian dài. Tuy nhiên, các sản phẩm cốm vi sinh trên thị trường hiện nay chứa rất nhiều đường, nếu trẻ ăn quá nhiều thì sẽ chán các thực phẩm khác.
Kết luận
Để khắc phục tình trạng biếng ăn, các bậc phụ huynh cần quan tâm chăm sóc đến trẻ một cách chu đáo, bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân và có các biện pháp phù hợp. Nếu bạn đã áp dụng nhiều cách mà vẫn không khắc phục được thì nên đưa bé đến các chuyên gia dinh dưỡng để có hướng giải quyết phù hợp. Chúc các bé mau ăn chóng lớn!
Nguồn: sieuthiyensam.com